Liên kết hữu ích

Thăm dò ý kiến

Chưa có bình chọn nào

Điều tra việc làm

Bạn đã có việc làm chưa?

DHCQ_LT

Thông báo V/v tổ chức ôn tập, bồi dưỡng, thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ chuẩn đầu ra cho SV khóa 55, 56 hệ chính quy (28/02/2018)
Thông báo V/v tổ chức ôn tập, bồi dưỡng, thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ chuẩn đầu ra cho SV khóa 55, 56 hệ chính quy

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯

Số:       160 /ĐHV-GDTX

 

V/v tổ chức ôn tập, bồi dưỡng, thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ chuẩn đầu ra cho SV khóa 55, 56 hệ chính quy

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯

Nghệ An, ngày 27 tháng 02 năm 2018

 

Kính gửi:

               - Thủ trưởng các đơn vị liên quan;

               - Sinh viên chính quy khóa 56 hệ 4 năm, khóa 55 kỹ sư hệ 5 năm.

 

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường về việc xây dựng lộ trình, kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ bậc 3/B1 cho sinh viên nhằm kịp thời giúp sinh viên đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định, đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp, có năng lực sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp và làm việc đáp ứng nhu cầu của xã hội, Nhà trường yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, lớp trưởng và sinh viên chính quy khóa 56 (hệ 4 năm) và khóa 55 kỹ sư (hệ 5 năm) triển khai thực hiện các nội dung công việc sau:

1. Đối tượng áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ

Căn cứ Quyết định số 4338/QĐ-ĐHV ngày 24/12/2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo hệ chính quy và Quyết định số 441/QĐ-ĐHV ngày 28/01/2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ cho sinh viên áp dụng từ khóa 54 hệ chính quy.

- Đối với Sinh viên chuyên ngữ (Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh): Bậc đại học cần đạt trình độ ngoại ngữ tiếng Anh bậc 5 (C1) và ngoại ngữ thứ 2 (Tiếng Pháp) bậc 3 (B1) Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

- Đối với sinh viên không chuyên ngữ: Bậc đại học cần đạt trình độ ngoại ngữ tiếng Anh tối thiểu bậc 3 (B1) Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

2. Mở lớp học ôn tập bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ

a) Tổ chức mở lớp

Nhà trường xây dựng kế hoạch học bồi dưỡng và thi để cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra, sinh viên căn cứ vào năng lực thực tế của mình để lựa chọn các cấp độ học bồi dưỡng cụ thể như sau:

Cấp độ 1: Cho sinh viên có trình độ ngoại ngữ khá, cần học bồi dưỡng, rèn luyện thêm kỹ năng và làm quen thể thức thi để đủ kiến thức và kỹ năng dự thi cấp chứng chỉ.

Chương trình học: 30 tiết (bố trí 20 tiết lý thuyết trên lớp và 10 tiết thực hành trên phòng máy).

Học phí: 1.000.000đ/sinh viên/khóa học.

Cấp độ 2: Cho sinh viên có trình độ ngoại ngữ trung bình, cần bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng và làm quen thể thức thi để đủ kiến thức và kỹ năng dự thi cấp chứng chỉ.

Chương trình học: 45 tiết (bố trí 30 tiết lý thuyết trên lớp và 15 tiết thực hành trên phòng máy).

Học phí: 1.500.000đ/sinh viên/khóa học.

Cấp độ 3: Cho sinh viên có trình độ ngoại ngữ yếu, cần học kiến thức cơ bản, bồi dưỡng thêm kỹ năng và làm quen thể thức thi để đủ kiến thức và kỹ năng dự thi cấp chứng chỉ.

Chương trình học: 60 tiết (bố trí 40 tiết lý thuyết trên lớp và 20 tiết thực hành trên phòng máy).

Học phí: 2.000.000đ/sinh viên/khóa học.

Thời gian học được bố trí vào các buổi tối (2,4,6), (3,5,CN) và các buổi ngày thứ 7, chủ nhật trên cơ sở sinh viên đăng kí để không trùng với lịch học chính quy.

b) Tổ chức thi và lệ phí đăng ký dự thi

- Tổ chức thi:

Nhà trường tổ chức trung bình 2 đến 3 đợt thi/1 tháng tùy thuộc số lượng sinh viên đăng kí và hoàn thành nộp lệ phí dự thi trên hệ thống. Sinh viên đã học qua các lớp bồi dưỡng hoặc không có nhu cầu học bồi dưỡng đều có thể đăng kí dự thi.

Lệ phí thi và cấp chứng chỉ: 1.000.000 đồng, trong đó lệ phí tổ chức thi 500.000 đồng/1 lần thi; lệ phí cấp chứng chỉ 500.000 đồng/1 chứng chỉ.

Đối với những sinh viên có nhu cầu thi mà không cần qua các lớp bồi dưỡng cần cân nhắc kỹ trước khi đăng kí dự thi. Nếu dự thi lần 1 nhưng kết quả không đạt sinh viên phải đăng kí học các lớp bồi dưỡng mới được dự thi lần tiếp theo.

- Quy trình đăng kí học ôn và thi:

Bước 1: Nhà trường sẽ mở kế hoạch tổ chức lớp và tạo lớp trên hệ thống đăng ký học (Tổ Đào tạo - Tuyển sinh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên phụ trách) bắt đầu từ ngày 05/03/2018.

Bước 2: Sinh viên đăng ký và nộp tiền học phí theo 2 hình thức như sau:

- Sinh viên nộp tiền tại Phòng thu học phí của Nhà trường tại Sảnh nhà B2

- Sinh viên nộp tiền theo hình thức online và định khoản theo mã sinh viên (NGANHAN+MASINHVIEN).

Ví dụ: Sinh viên Nguyễn Văn An có mã sinh viên 145D3201010032 chuyển sang ôn, thi chứng chỉ có mã như sau : NGANHAN145D3201010032.

Bước 3: Sinh viên theo dõi lịch thi trên trang cá nhân và tham dự các đợt thi đã đăng kí.

- Nội dung thi: Gồm 4 kỹ năng (Nghe, Nói, Đọc, Viết) được tổ chức thi trên máy tính.

c) Cấp chứng chỉ ngoại ngữ

- Sau khi có kết quả thi, Nhà trường sẽ ban hành Quyết định công nhận kết quả, in và cấp chứng chỉ cho sinh viên thi đạt.

- Chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn đầu ra được cấp có hiệu lực để xét công nhận tốt nghiệp trong 24 tháng kể từ ngày ký cấp chứng chỉ. Sinh viên đến thời điểm xét công nhận tốt nghiệp nếu không có chứng chỉ sẽ không đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp ra trường.

3. Tổ chức thực hiện

a) Tổ Đào tạo - Tuyển sinh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên chủ trì, phối hợp với Phòng Đào tạo, các khoa, viện đào tạo, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch mở lớp, thời khóa biểu giảng dạy, hướng dẫn sinh viên đăng ký học, đăng ký thi trên phần mềm quản lý đào tạo, quản lý lớp học, tổ chức thi đánh giá và công nhận kết quả.    

b) Các khoa, viện đào tạo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc sinh viên chấp hành nghiêm túc kế hoạch học và thi theo các đợt do Nhà trường tổ chức.

c) Trung tâm Đảm bảo chất lượng thực hiện  quy trình chuẩn bị đề thi, phối hợp tổ chức công tác coi thi, chấm thi đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ. 

d) Khoa Sư phạm Ngoại ngữ có trách nhiệm phân công giảng viên giảng dạy các lớp ôn tập theo các cấp độ, bố trí cán bộ coi thi, chấm thi đúng kế hoạch thời gian. 

e) Phòng Kế hoạch - Tài chính theo dõi học phí đăng ký học và lệ phí dự thi, hướng dẫn sinh viên cách thức nạp tiền qua hệ thống, phối hợp với ngân hàng bố trí cán bộ thu tiền nhanh chóng không gây ách tắc chậm trễ cho sinh viên.

g) Nhà trường giao Phòng CTCT-HSSV, Phòng Kế hoạch - Tài chính và các khoa, viện đào tạo xây dựng tiêu chí đối tượng miễn giảm học phí ôn tập cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Các khoa lập danh sách sinh viên diện miễn giảm kèm theo đơn có xác nhận của Phòng CTCT-HSSV trình Ban Giám hiệu phê duyệt.

Đối với các sinh viên khóa 54, 55 chưa thi hoặc thi chưa đạt ở đợt trước có thể đăng ký thi ghép vào các đợt thi của khóa 56 theo kế hoạch chung của Nhà trường để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp.

 

 Nhà trường yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiệm túc các nội dung liên quan theo kế hoạch thời gian quy định và thông báo đến toàn thể sinh viên đại học chính quy biết và thực hiện. Mọi thông tin liên quan và và các báo cáo, đề xuất đề nghị các đơn vị nộp về Trường qua Tổ Đào tạo - Tuyển sinh thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên để kịp thời xử lý ./.

 

Nơi nhận:

- Như k/g;

- Đ/c Phó Hiệu trưởng (để p/h chỉ đạo);

- BBT iOffice, Website;

- Lưu: HCTH, GDTX.

 

HIỆU TRƯỞNG

(Đã ký)


 

GS.TS Đinh Xuân Khoa

 

Tin khác
In trang này
Gửi email trang này
Thêm vào ưa thích

Số người đang Online: 12

Lượt truy cập: 3344935